Có một món ăn vặt vô cùng hot được làm từ bánh tráng, trứ danh ở Sài Thành, người trẻ hay người lớn cũng đều thích. Đố các bạn mình đang nhắc tới món gì nào? Đúng rồi, chính là món bánh tráng trộn đó. Món ăn gán liền với tuổi thơ của mình, hình ảnh những gánh hàng rong bán bánh tráng, nào là xoài xanh, bò khô, trứng cút, sa tế… không biết từ lúc nào mà nó đã trở thành một phần quan trọng trong ẩm thực của người Việt.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau vào bếp học cách làm bánh tráng trộn tại nhà nhé, thời điểm này đang giãn cách xã hội thế nên chẳng có hàng bánh tráng nào mở cả. Cơ mà thèm ăn thì vẫn phải lăn vào bếp thôi.
Bánh tráng trộn là gì?
Dù đã nhiều lần nếm thử món bánh tráng trộn, nhưng liệu rằng các bạn đã “nắm lòng” nguồn gốc và khái niệm của món bánh tráng trộn này hay chưa?
Bánh tráng trộn có nguồn gốc từ Tây Ninh, sau đó lan rộng và phổ biến tại các tỉnh miền Nam nước ta. Bánh tráng trộn cơ bản gồm có bánh tráng cắt nhỏ, xoài xanh, hành khô, rau răm, tép, trứng cút và nước sốt sa tế dùng để trộn. Món ăn này được bày bán rất nhiều ở các hè phố, cổng trường học.
Thời gian trôi đi, ngày càng có nhiều loại bánh tráng khác nhau xuất hiện, ví dụ như bánh tráng bơ, bánh tráng cay, bánh tráng muối ớt… tuy nhiên vẫn không thể nào thay thế được món bánh tráng trộn trong lòng mọi người.
Cách làm bánh tráng trộn chuẩn ngon
Bây giờ, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách làm bánh tráng trộn tại nhà nhé, đảm bảo chuẩn ngon như ở ngoài hàng. Thay vì mua bánh tráng ở ngoài với lo sợ không hợp vệ sinh thì nay đã có thể tự vào bếp rồi.
Nguyên liệu làm bánh tráng trộn
- Bánh tràng khô: 1 xấp
- Xoài xanh: 1 quả
- Trứng cút: 10-15 quả
- Quất: 3 quả(miền Nam còn gọi là tắc)
- Ruốc thịt lợn: 5 gram
- Bò khô xé sợi: 40 gram
- Hành lá: 50 gram
- Hành tím: 50 gram
- Lạc rang sẵn: 50 gram
- Các gia vị khác: sa tế, dầu ăn, nước tương, muối Tây Ninh…
Các bước làm bánh tráng trộn
Bước 1: Trứng cút bạn cho vào nồi luộc khoảng 5-7 phút, bạn nào thích ăn nhiều trứng cút thì cứ cho nhiều nhé. Mình thì chỉ dùng khoảng 15 quả thôi.
Bước 2: Trong lúc đợi trứng chín, ta tranh thủ sơ chế các nguyên liệu khác.
Bạn dùng kéo cắt bánh tráng thành các đoạn dài hình chữ nhật, không nên cắt bánh tráng quá nhỏ, khi trộn thấm nước sẽ bị nát.
Xoài xanh gọt vỏ, bào sợi theo chiều dọc của quả, để riêng ra đĩa sạch. Bạn không chọn quả chín quá nhé, như vậy xoài vừa mềm nhũn mà lại không có độ chua.
Bò khô xé sợi nhỏ, bạn có thể thay bằng khô gà lá chanh hoặc khô heo cháy tỏi để thay đổi hương vị, nhưng bò khô vẫn là chuẩn cho món bánh tráng nhất nha. Ruốc thịt lợn xé sợi. Rau răm rửa sạch, thái đoạn vừa.
Bước 3: Đặt 1 cái chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng, đợi dầu nóng thì phi thơm hành tím thái lát, đợi hành vàng thì vớt ra để ráo.
Phần dầu ăn tranh thủ lúc còn nóng đổ vào bát hành lá cắt khúc để làm mỡ hành.
Bước 4: Sử dụng 1 cái bát tô sạch, cho bánh tráng, xoài, bò khô, ruốc thịt lợn, hành phi, mỡ hành, sa tế vào bát. Rắc thêm muối, nước tương, vài giọt nước cốt quất và trộn đều tay.
Cuối cùng, cho rau răm đã xắt nhỏ trước đó và lạc rang vào trộn lại một lần nữa là xong. Vậy là món bánh tráng trộn của chúng ta đã hoàn thành rồi đó.
Bánh tráng trộn bao nhiêu calo?
Bánh tráng trộn bao nhiêu calo là câu hỏi mà nhiều người quan tâm, liệu rằng ăn bánh tráng trộn nhiều có béo không?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cứ trang một 100 gram bánh tráng trộn sẽ có khoảng 300 calo, 16 gram chất béo, 33 gram carbs, 5 gram protein, 94.5% chất bột đường.
Tuy rằng bánh tráng trộn có nhiều kiểu khác nhau, nhưng nhìn chung thì lượng calo của bánh tráng trộn rất cao. Căn bản, với trọng lượng 200 gram bánh tráng thì sẽ chứa khoảng 600 calo.
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định, bánh tráng trộn không chỉ nhiều calo mà còn chứa nhiều chất béo và tinh bột, mà lại không có chất xơ.
Ăn bánh tráng trộn có mập không?
Với lượng calo như trên, liệu ăn bánh tráng trộn có béo không? Đây là câu hỏi chiếm top đầu thắc mắc của các chị em phụ nữ.
Trung bình, một người trưởng thành trong ngày cần khoảng 1800 – 2000 calo để duy trì cơ thể và hoạt động hàng ngày. Khi chúng ta ăn 1 bịch bánh tráng trộn 200 gram tức là đã nạp sấp sỉ 600 calo. Đó là chưa tính hàm lượng các thực phẩm khác bạn sử dụng trong ngày.
Chính vì vậy, lượng calo của bánh tráng trộn tương đương gần bằng 1/3 lượng calo cần nạp vào cơ thể mỗi bữa ăn(khoảng 600-677 calo). Chính vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng bánh tráng trộn sẽ gây tăng cân nhanh chóng. Bạn không nên ăn bánh tráng trộn với tần suất quá nhiều lần. Khoảng 1 tuần ăn 1 lần là hợp lí.
Ăn bánh tráng trộn thường xuyên và với số lượng lớn sẽ gây hại cho cơ thể, ví dụ như hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả, nguy cơ mắc ung thư, ngộ độc rất cao. Bên cạnh đó, còn xuất hiện những vấn đề về gan thận, dễ bị táo bón.
Lưu ý khi ăn bánh tráng trộn
Ai cũng biết đây là món ăn vặt đường phố hấp dẫn không thể cưỡng lại, tuy nhiên nó lại quá nhiều calo, thế nên bạn cần biết một vài lưu ý khi ăn bánh để không gây ảnh hưởng quá nhiều cho cơ thể.
– Chỉ nên ăn món này 1-2 lần/tuần.
– Nên uống nhiều nước trước khi ăn bánh tráng trộn.
– Mỗi lần ăn bánh tráng trộn chỉ ăn khoảng 50 gram.
– Hạn chế ăn bánh tráng trộn vào buổi tối vì chúng sẽ làm bạn khó tiêu hóa.
– Tập thể dục điều độ kết hợp chế độ ăn hợp lý thì thi thoảng ăn bánh tráng trộn cũng không phải vấn đề quá lo ngại.
– Hãy ăn bánh tráng trộn với các loại rau củ có chứa nhiều vitamin C và chất xơ.
– Khi làm bánh tráng trộn tại nhà, bạn nên sử dụng lượng bánh tráng vừa đủ, kết hợp nhiều rau và xoài để giảm thiểu lượng calo trong món ăn này.
Trên đây là một vài lưu ý dành cho những “fan ruột” của món bánh tráng trộn nhé, hi vọng rằng nó sẽ hữu ích với các bạn, nhất là những bạn đang trong quá trình ăn kiêng – giảm cân mà vẫn thòm thèm món bánh tráng trộn nè.
Lời kết
Những miếng bánh tráng dai dai đẫm sốt sa tế cùng với miếng bò khô và trứng cút béo béo đã làm cho món bánh tráng trộn trở nên ngon và đặc biệt hơn bao giờ hết. Như các bạn thấy đó, làm bánh tráng trộn không hề khó, chỉ cần theo dõi tỉ mỉ một chút các bước mình chỉ dẫn là có thể làm được. Chúc các chị em thành công với món ăn vặt nhâm nhi ngày nghỉ dịch này nhé!